Những công trình tí hon từ nguyên liệu xốp

Mô hình kiến trúc là gì?

Mô hình, hiểu nôm na là mô phỏng lại hình dạng của một vật (hay công trình) nào đó theo tỉ lệ rất nhỏ so với hình dạng, kích thước thực của vật (công trình) ấy.

Bạn muốn hình dung rõ ràng hơn, có cái nhìn tổng thể hơn về căn nhà của bạn khi mọi thứ còn đang nằm trên bản thiết kế? Bạn muốn xem một công trình kiến trúc nổi tiếng ở một nơi nào đó mà bạn chưa có dịp nhìn tận mắt? Thì đây, mô hình kiến trúc là một giải pháp rất hay ho để bạn để tâm hồn mình bay bổng, tưởng tượng theo cái chuẩn đã có sẵn, hihi. Đối với các công trình chưa xây dựng, mới là bản vẽ, thì khi xem mô hình, bạn sẽ thấy được chi tiết nào xấu, chi tiết nào kết hợp nhau chưa hài hòa… mà có phương án chỉnh sửa cho phù hợp. Thật là tiện lợi bạn nhỉ?

Những công trình tí hon này thường được ra đời bởi đôi bàn tay tài hoa của các kiến trúc sư. Nhưng đôi khi, các kiến trúc sư thì bận bịu với việc thiết kế bản vẽ nên chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn, giám sát thôi, còn việc lắp ghép, cắt dán mô hình cần có những đôi tay khéo léo, tỉ mẩn và sự kiên nhẫn của những người thợ chuyên làm mô hình đó.

Không phải ai cũng có thể làm được một mô hình kiến trúc đẹp, đúng tỉ lệ để người xem nhìn vào là trầm trồ khen ngợi liền đâu. Mô hình càng nhỏ thì càng cực. Từ mái ngói, cột nhà, cửa sổ, đến gạch ốp, bậc thang… đều phải thể hiện đúng với kích thước trong bản vẽ.

Tỉ lệ là gì?

Tỉ lệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc dựng mô hình kiến trúc. Chọn tỉ lệ phù hợp với công trình mình làm và thể hiện đúng tất cả các chi tiết trong công trình theo một tỉ lệ nhất định sẽ làm cho mô hình có tính hài hòa, cân đối trên bề mặt tổng thể. Điều này đòi hỏi người làm mô hình phải cẩn thận và tỉ mẩn đến từng milimet.

Dù làm mô hình từ bản vẽ hay từ công trình thực tế thì bạn cũng phải dựa vào kích thước của công trình mà chia tỉ lệ cho thích hợp. Tỉ lệ này là tỉ lệ của mô hình được thu nhỏ so với tỉ lệ trên thực tế đó. Các tỉ lệ này được tính theo đơn vị mm. Ví dụ như mô hình nhà ở, tỷ lệ 1:50, tức cứ 1mm trên mô hình sẽ bằng 50mm trên bản vẽ. Dễ hiểu hơn là mỗi chi tiết trong ngôi nhà mô hình, bạn phóng to (nhân lên) 50 lần là ra tỉ lệ thực. Mô hình kiến trúc thương mại thường có tỷ lệ 1:100. Có nhiều tỉ lệ thường được sử dụng trong các mô hình khác như 1:200; 1:500; 1:1000.

Bạn biết không, tỉ lệ càng nhỏ thì mô hình càng chi tiết. Các mô hình có tỉ lệ nhỏ 1:25 thường là mô hình kiến trúc nội thất. Tỉ lệ này sẽ cho ta thấy rõ ràng các chi tiết như rèm cửa, bàn ăn, đèn, tủ… trong nhà.

Một mô hình kiến trúc sống động không những phải thể hiện đúng từ chi tiết đến màu sắc đã thể hiện trên bản vẽ mà còn nên đặt thêm phong cảnh (cây cối, hoa cỏ…) hay các sự vật (người, ô tô, xích đu…) để người xem sẽ thấy thật hơn, đẹp hơn.

Chọn vật liệu nào?

Có rất nhiều vật liệu để làm nên những công trình tí hon đẹp mắt. Thông dụng nhất là mô hình bằng xốp chuyên dụng. Các vật liệu khác như gỗ, ván ép, mica, nhựa… cũng đều dùng làm mô hình được.

Thông thường, mô hình dùng để trưng bày, triển lãm hay giới thiệu một công trình nào đó. Đa phần là những công trình lớn để người xem dễ hình dung tổng thể và thấy được sự hoành tráng của công trình đó. Còn khi chỉ xây một căn nhà thì ít ai làm mô hình lắm, bởi một căn nhà thì dễ tưởng tượng trong đầu hơn là một khu biệt thự hay một khu đô thị nào đó, vậy mắc chi làm mô hình cho phiền phức chứ!

Hiện nay, ngoài những công trình kiến trúc, người ta còn làm mô hình đối với các vật dụng như xe máy, ô tô, tàu thuyền, máy bay… nữa đó. Ước gì mình biến thành tí hon để sở hữu những ngôi nhà, những vật dụng ấy nhỉ?